Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, nêu một số kiến nghị về sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững vừa diễn ra vào sáng nay ngày 15/11.
Hiện người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua bất động sản dưới các hình thức khác như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Nhưng theo bà Hoài Anh, người nước ngoài thực tế có nhu cầu này và tại các quốc gia ở khu vực châu Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, loại hình trên đang phát triển khá mạnh mẽ và thu hút nguồn đầu tư ổn định.
Bà Hoài Anh cho rằng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá và giải trí. Từ đó, du khách quốc tế có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn.
“Việc mở rộng đối tượng mua bất động sản nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn. Việc này cũng góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thân thiện, yên bình, đáng sống với thế giới. Đồng thời, khi xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài và bất động sản nghỉ dưỡng, cần lưu ý cụ thể từ khâu điều kiện mua, quy định thanh toán, loại hình kinh doanh, chuyển lợi nhuận…”, bà Hoài Anh nói thêm.
Đề xuất cho người nước ngoài sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng không phải lần đầu được nhắc tới. Trong báo cáo hồi tháng 8, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) từng kiến nghị cho phép người nước ngoài mua nhà từ công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài được mua các bất động sản du lịch với lý do “Đây là các sản phẩm cao cấp, khó thanh khoản, phù hợp với khả năng chi trả của người nước ngoài”. “Việc bán nhà cho người nước ngoài sẽ có thể giải quyết lượng lớn tồn kho này, giúp thị trường trở nên sôi động hơn”, VARS đánh giá.
Tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển, theo một báo cáo hồi tháng 7 của Bộ phận R&D DKRA Group, lên xấp xỉ 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II lên đến 15.000 căn cả miền Bắc và Nam. Ở phân khúc nhà phố, shophouse biển, tồn kho đến cuối tháng 6 cũng vào khoảng gần 15.000 căn.
VAR cũng lưu ý việc cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng phải đảm bảo yêu cầu về an ninh, quốc phòng và không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội, tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Cụ thể, quy định tại dự thảo luật có thể giữ tỷ lệ mua cũng như bổ sung các khu vực được phép mua.
Tại một hội thảo hồi tháng 2 ở TP HCM, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam, dẫn số liệu trong gần 5.000 giao dịch CBRE thực hiện gần 10 năm qua cho thấy, 45% thuộc về khách hàng nước ngoài. Trong đó, nhu cầu đứng đầu từ Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, sau đó là Mỹ và các nước ở châu Âu.
Theo Luật Nhà ở 2014 hiện hành, người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà tại Việt Nam qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế… và chỉ được mua nhà (căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ) trong các dự án thương mại nhưng trừ khu vực an ninh, quốc phòng. Người nước ngoài được mua tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư và không quá 10% số lượng biệt thự, nhà riêng lẻ trong dự án.
Số liệu hồi tháng 6 của Bộ Xây dựng cho biết, lượng người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam chỉ khoảng 3.000 căn, chủ yếu là chung cư, sau 9 năm luật có hiệu lực.
Vì sao việc cho người nước ngoài sở hữu bất động sản Việt Nam được đặt lên bàn thảo luận, cân nhắc kỹ?
Việc cho người nước ngoài sở hữu bất động sản Việt Nam cũng là chủ đề nhận được nhiều thảo luận tại nghị trường vừa qua. Tại báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị sửa quy định theo hướng người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở có thời hạn (như luật hiện hành) nhưng không gắn với quyền sử dụng đất và chỉ được gia hạn sở hữu nhà một lần. Những người Việt mua lại nhà ở của người nước ngoài được hưởng quyền, nghĩa vụ như công dân trong nước.
Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội tháng 6, một số đại biểu Quốc hội cho rằng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thuộc nhóm được sở hữu nhà ở là chưa chặt chẽ, có thể mâu thuẫn với luật khác.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho rằng cần cân nhắc kỹ vì đây là vấn đề nhạy cảm.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, du lịch là ngành kinh tế mang tính đặc thù, cũng tương đối nhạy cảm đối với các yếu tố liên quan đến an ninh chính trị, cạnh tranh chiến lược, hoặc liên quan đến kinh tế, văn hóa. Bên cạnh Luật Du lịch, ông cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản liên quan để quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất về khái niệm, bản chất, các hình thức, mục đích sử dụng bất động sản du lịch.