(VNmorningnews) – Việt Nam miễn visa cho khách Ba Lan, Thụy Sĩ và Czech. Ba quốc gia được miễn visa Việt Nam từ 1/3 này đều là thị trường đông dân, khách chi tiêu cao, góp phần giúp ngành du lịch Việt tăng trưởng trong năm 2025

Từ 1/3 đến 31/12, Việt Nam miễn visa cho khách đi theo tour đến từ ba thị trường Thụy Sỹ, Ba Lan và Cộng hòa Czech theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 của chính phủ.

Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia hôm 5/3 cho thấy, trong hai tháng đầu năm thị trường Ba Lan và Thụy Sỹ ghi nhận lượng khách tăng lần lượt là 54% và 14% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, theo ông Trần Huỳnh Nguyên, giảng viên thỉnh giảng kiêm hướng dẫn viên hơn 20 năm kinh nghiệm tại TP HCM, “phải đợi đến cuối năm mới có thể biết chính xác chính sách miễn visa này phát huy tác dụng đến đâu”. Khách Âu thường lên kế hoạch du lịch trước 6 tháng nên lượng khách ghi nhận trong tháng 1 và 2 vẫn chưa được “khích thích” bởi chính sách mới.

viet-nam-mien-visa-cho-khach-ba-lan-thuy-si-va-czech-2
Khách Ba Lan đến TP HCM du lịch dịp Tết Nguyên đán 2025

Dù vậy, các đơn vị lữ hành chuyên đón khách inbound (khách quốc tế đến) đều tỏ ra hào hứng, kỳ vọng lượng khách từ các thị trường này sẽ khác biệt. Châu Âu luôn là thị trường khách tiềm năng, đến nhiều, ở lâu và chi tiêu mạnh. Theo các công ty lữ hành tại Việt Nam, khách châu Âu thường có thời gian lưu trú trung bình 8-12 ngày trở lên, đặt các dịch vụ cao cấp 3-5 sao.

Khách châu Âu chiếm 30% tổng lượng khách inbound. Các điểm đến được khách yêu thích gồm tour xuyên Việt Bắc – Trung – Nam, đặc biệt yêu thích loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn ở các vùng biển đẹp như Đà Nẵng, vịnh Hạ Long, Phú Quốc cũng như khám phá ẩm thực.

Khách Ba Lan, Thụy Sĩ, Czech đến Việt Nam thường có kinh tế ổn định, chi tiêu cao, đi theo các đoàn du lịch và có nhu cầu khám phá văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực địa phương cao. Khách Thụy Sĩ đặc biệt yêu thích cảnh quan, khí hậu Tây Bắc. Trước khi chính sách miễn thị thực được áp dụng, du khách đến từ các quốc gia trên phải trải qua thủ tục xin thị thực phức tạp hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Đại học KHXHNV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói “khách Ba Lan nên được miễn visa từ lâu” vì có nhiều lợi thế như dân đông, GDP đầu người cao, có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam.

Theo Country Economy, GDP Ba Lan năm 2024 tăng gần 3% so với năm 2023 và đứng thứ 21 trong bảng xếp hạng GDP 196 quốc gia, vùng lãnh thổ. GDP bình quân đầu người của Ba Lan là hơn 22.000 USD, cao hơn gần 4.000 USD so với năm trước đó và đứng thứ 48 trên thế giới. Dân số Ba Lan hiện trên 38 triệu người. Năm 2025, Việt Nam và Ba Lan kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Thụy Sỹ và CH Czech cũng là hai điểm đến tiềm năng với du lịch Việt, theo đánh giá từ các chuyên gia. CH Czech là một trong những nước có đông người gốc Việt sinh sống. Việc miễn visa với công dân nước này cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước thân thiết hơn, khuyến khích người dân đến Việt Nam du lịch nhiều hơn.

Còn Thụy Sỹ là một trong những quốc gia đắt đỏ trên thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2023 là hơn 100.000 USD, đứng thứ 5 trên 196 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi đó, chi phí tại Việt Nam được nhận xét rẻ. Việc miễn visa sẽ thu hút tệp khách nhà giàu Thụy Sỹ đến nhiều hơn nhờ lợi thế đồ ăn ngon, dịch vụ tốt và chi phí hợp lý.

Khách inbound luôn có kế hoạch du lịch rất sớm, đặt tour trước cả năm. Do đó, chính sách miễn visa mới được áp dụng gần một tháng chưa thể hiện rõ hiệu quả. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến từ ba thị trường kể trên trong quý I của công ty đã tăng trưởng 35% so với cùng kỳ 2024.

Thế mạnh của du lịch Việt Nam là ẩm thực và biển đảo cũng như sự đa dạng, khác biệt trong văn hóa vùng miền. Do đó, Việt Nam chỉ cần tập trung khai thác những sản phẩm thế mạnh của từng vùng để thu hút khách.

Chính sách visa mới góp phần tạo điều kiện cho các công ty du lịch tự tin đẩy mạnh các tour đến ba thị trường trên cũng như bán tour đến sát ngày khởi hành. Ngoài ra, chính sách mới cũng phù hợp với loại hình tour thuê máy bay charter, giúp gia tăng tối ưu về giá dịch vụ – một trong những yếu tố quan trọng giúp kích cầu thị trường khách quốc tế.

Vì vậy, cần xem xét các yếu tố như tiềm năng du lịch, khả năng chi tiêu, an toàn của du khách để xem xét mở rộng quốc gia miễn thị thực, tăng tính cạnh tranh cho du lịch Việt Nam cao hơn.

Một du khách đến từ Ba Lan, Lech cho biết: “Tôi tới Việt Nam cùng gia đình. Thiên nhiên và con người Việt Nam rất hay, văn hoá ẩm thực cũng rất thú vị. Việc miễn visa giúp chúng tôi chủ động và thuận tiện để quay lại du lịch Việt Nam lần nữa”.