(VNmorningnews) – Viettel, VinaPhone và MobiFone đã chấm dứt việc kích hoạt phát triển thuê bao mới với các đại lý để thực thi nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT về xử lý SIM rác đang gây hệ lụy xã hội.
Cũng như VinaPhone, đại diện MobiFone khẳng định đã thông báo dừng hợp đồng với các đại lý SIM, dừng phát triển SIM qua đại lý. Khách hàng có thể mua SIM ở các đại lý nhưng phải đến các điểm giao dịch của MobiFone để kích hoạt SIM mới. Bên cạnh đó, MobiFone triển khai sử dụng kênh chuỗi có kiểm soát là Thế Giới Di Động, FPT Shop… để làm kênh phân phối.
Đại diện MobiFone cho biết: “Hiện trên thị trường vẫn còn một lượng SIM do được thuê người khác đứng tên rồi bán ra thị trường. Vì vậy, sau ngày 10/9, sẽ vẫn còn hiện tượng các đại lý bán SIM kích hoạt sẵn”.
Đại diện Viettel cũng khẳng định đã thông báo cho các đại lý SIM thẻ và cắt quyền được kích hoạt thuê bao mới của các đại lý này. Bên cạnh đó, Viettel lựa chọn Thế Giới Di Động và Viettel Post là kênh chuỗi có kiểm soát làm kênh phân phối SIM, dừng phát triển SIM qua đại lý.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, hiện có tình trạng nhiều người sẵn sàng đứng hộ tên để đăng ký thuê bao. Điều này dẫn đến một thuê bao có thông tin đăng ký thật, tên tuổi, địa chỉ thật nhưng thực ra nằm trong tay người sử dụng khác. Do vậy, một bộ phận người dùng đã tiếp tay dẫn đến vấn nạn SIM không chính chủ.
Trước đó, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết sẽ xử lý nghiêm các đối tượng lấy thông tin cá nhân để đăng ký hộ SIM điện thoại cho người khác. Sau khi SIM thẻ được đăng ký và đưa cho người khác sử dụng, có thể họ sẽ gặp phải trường hợp người dùng số điện thoại đó lợi dụng việc này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Người đứng tên SIM sẽ phải đối diện với việc xử lý của các cơ quan chức năng khi bị tra cứu.
Cuối tháng 8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen. Công điện lưu ý, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao Internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM “rác”, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động tín dụng đen.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho hay, SIM rác đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội và Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các nhà mạng phải xử lý vấn nạn này. Mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu SIM được các nhà mạng phát hành ra thị trường. Trong đó, khoảng 80% SIM được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng điện máy và qua kênh phân phối của chính các nhà mạng.
“Hiện vẫn còn tình trạng đại lý thuê người đăng ký SIM với đầy đủ thông tin, có thể đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, sau đó bán lại cho người dùng khác. Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng và yêu cầu chấn chỉnh. Tất cả nhà mạng cam kết với Bộ TT&TT sẽ dừng các đại lý phát triển SIM. Như vậy, kể từ ngày 10/9, chỉ tập trung vào các kênh chuỗi”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Thay vì sử dụng kênh đại lý, các nhà mạng sẽ tập trung vào việc phát triển kênh phân phối của doanh nghiệp mình và những kênh chuỗi có uy tín. Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc những kênh nào đảm bảo giám sát, kiểm soát được mới phát triển thuê bao. Chỉ có phát triển thuê bao một cách chặt chẽ mới hạn chế được tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ra thị trường.
“Bộ TT&TT sẽ xử lý rất nghiêm theo Nghị định 14/2022. Nếu phát hiện, sẽ đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3-12 tháng tuỳ theo mức độ vi phạm của các nhà mạng”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.