(VNmorningnews) − Nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa giáo dục và tuổi thọ cho thấy học nhiều giúp con người sống thọ hơn. Mỗi một năm học trên ghế nhà trường giúp giảm khoảng 2% nguy cơ tử vong. Ngược lại, việc không đi học nguy hiểm như nghiện hút thuốc hoặc uống rượu.

Các học giả đến từ ĐH Khoa học và công nghệ Na Uy và ĐH Washington (Mỹ) hôm 23/1 công bố th6ong tin việc học nhiều giúp con người sống thọ hơn. Đây là kết quả nghiên cứu tổng quan hệ thống (systematic review) và phân tích tổng hợp (meta-analysis) đầu tiên về ảnh hưởng của giáo dục đến tỷ lệ tử vong trên phạm vi toàn cầu. Bài báo được bình duyệt trên The Lancet Public Health, một trong những tạp chí y tế công cộng uy tín hàng đầu thế giới.

vi-sao-hoc-nhieu-giup-con-nguoi-song-tho-hon-2
Ảnh minh họa

Để thực hiện công trình này, nhóm tác giả đã thu thập cơ sở dữ liệu từ đầu tháng 1/1980 đến tháng 5/2023, chọn mẫu được 603 nghiên cứu tại 59 quốc gia, trong đó có các nước công nghiệp hóa như Anh, Mỹ và các nước đang phát triển. Kết quả cho thấy, cứ mỗi năm được học toàn thời gian, nguy cơ tử vong ở người trưởng thành giảm trung bình 1,9%, bất kể quốc gia, giới tính hay hoàn cảnh kinh tế.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, độ tuổi càng trẻ thì hiệu quả của giáo dục đến tuổi thọ càng tăng, với mức giảm nguy cơ tử vong ở nhóm 18-49 tuổi là 2,9%/năm, còn ở mốc tuổi trên 70 là 0,8%/năm. “Công trình này cung cấp bằng chứng thuyết phục về tầm quan trọng của giáo dục đến việc cải thiện tuổi thọ, cũng như ủng hộ các lời kêu gọi tăng cường đầu tư vào giáo dục để giảm sự bất bình đẳng”, nhóm tác giả khẳng định.

vi-sao-hoc-nhieu-giup-con-nguoi-song-tho-hon-1

Một vấn đề khác được nhóm nghiên cứu đặt ra là việc hoàn thành giáo dục bậc tiểu học, trung học và ĐH tương đương với duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh suốt đời, giúp giảm 34% nguy cơ tử vong so với những người chưa từng đến trường. Ở chiều ngược lại, bỏ học có hại cho sức khỏe giống với việc trong 10 năm liên tục, mỗi ngày đều uống trên 5 ly rượu hoặc hút 10 điếu thuốc.

Nguyên nhân giáo dục ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong, theo nhóm tác giả, là vì trình độ học vấn cao giúp người trưởng thành có thể bảo vệ bản thân tốt hơn. Chẳng hạn, việc hoàn thành giáo dục ĐH tạo điều kiện để người học tìm được việc làm tốt hơn, đạt được thu nhập cao hơn, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cũng như tăng cường kiến thức về sức khỏe để tự chăm sóc bản thân.

“Những người có trình độ học vấn cao hơn cũng có xu hướng phát triển nguồn lực tâm lý và xã hội rộng hơn để định hình sức khỏe và tuổi thọ của họ”, nghiên cứu lý giải.

Chuyên gia nói về mối liên hệ giữa giáo dục và sức khỏe

Tiến sĩ Neil Davies, giáo sư thống kê y học tại University College London (Anh) và là chuyên gia về mối liên hệ giữa giáo dục và sức khỏe, mô tả nghiên cứu trên là “một công trình ấn tượng”.

vi-sao-hoc-nhieu-giup-con-nguoi-song-tho-hon-3

Ông Davies lưu ý thêm rằng bên cạnh việc bỏ học, vắng học nhiều lần trong năm cũng có thể khiến trẻ em bỏ lỡ nhiều phúc lợi y tế trong tương lai, cũng như phải đối diện với những hậu quả nghiêm trọng khác ngoài vấn đề sức khỏe.

Ông David Finch, trợ lý giám đốc ở Health Foundation (Anh), chia sẻ rằng trình độ học vấn cao sẽ cải thiện tuổi thọ theo nhiều cách, bao gồm những lợi ích phi tài chính. “Nó hỗ trợ người học xây dựng các kết nối xã hội tốt hơn cũng như giúp đưa ra lựa chọn tốt hơn. Nó còn khiến bạn cảm thấy được tôn trọng và trao quyền. Đây là những điều quan trọng có thể giúp cải thiện sức khỏe”, ông Finch trả lời tờ The Guardian.

“Đặc biệt, thông qua giáo dục, một cá nhân có thể đạt thu nhập cao hơn. Điều này giúp họ tiếp cận nhiều khía cạnh quan trọng khác, như chất lượng nhà ở tốt hơn, chế độ ăn uống cũng chất lượng hơn”, ông Finch nói thêm.

 

Các địa điểm được nghiên cứu trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Trong khi đó, trả lời trang tin Healthdata, thạc sĩ Claire Henson, nghiên cứu viên tại ĐH Washington và là đồng tác giả bài nghiên cứu, nhận định không chỉ giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục kỹ thuật cũng có hiệu quả tương tự trong việc giảm thiểu nguy cơ tử vong ở người trưởng thành. “Và tiếp cận giáo dục ở bất kỳ thời điểm nào trong đời cũng giúp giảm nguy cơ tử vong”, bà Henson nhấn mạnh.

Cũng theo thạc sĩ Henson, giáo dục có tác động xuyên thế hệ, tức trình độ học vấn của cha mẹ và người giám hộ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái. “Vì thế, việc tăng khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao và giảm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục phải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách”, nữ chuyên gia nêu quan điểm.