(Vnmorningnews) – Theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu châu Á năm 2023 của Tổ chức Giáo dục Anh Quacquarelli Symonds, Đại học Quốc gia Singapore đứng ở vị trí thứ nhất.
Trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu châu Á năm 2023 của Tổ chức Giáo dục Anh Quacquarelli Symonds (QS), Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore) đứng ở vị trí thứ nhất.
Đặc biệt, đây là năm thứ 5 liên tiếp Đại học Quốc gia Singapore giành vị trí đầu bảng xếp hạng danh sách các trường đại học tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng của QS. Cung cấp phương pháp tiếp cận toàn cầu về giáo dục, nghiên cứu và khởi nghiệp, tập trung vào quan điểm và chuyên môn của người châu Á, trường thu hút hơn 38.000 sinh viên đến từ 100 quốc gia và xếp thứ 11 thế giới.
Chương trình cử nhân của Đại học Quốc gia Singapore gồm các khoa: Nghệ thuật và Khoa học xã hội; Kinh doanh và Kế toán; Tin học; Nha khoa; Thiết kế và Môi trường; Kỹ thuật; Luật; Dược; Y tá; Âm nhạc và Khoa học.
Xếp vị trí thứ 2 châu Á, thứ 12 trên thế giới là Đại học Bắc Kinh,Trung Quốc (Peking University). Được thành lập vào năm 1898, với tên gọi ban đầu là Đại học Hoàng gia Bắc Kinh, Đại học Bắc Kinh là trường đại học tổng hợp quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc.
Chương trình đào tạo ở trường Đại học Bắc Kinh gồm: Dự bị đại học, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ và Học bồi dưỡng với 6 khoa: Khoa học; Thông tin và Khoa học Kỹ thuật; Nhân văn; Khoa học Xã hội; Kinh tế và Quản lý và khoa Y.
Học phí bậc đại học đối với ngành Kỹ thuật là 30.000 nhân dân tệ/năm và ngành xã hội là 26.000 nhân dân tệ/năm.
So với bảng xếp hạng năm 2022, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc (Tsinghua University) đã nhảy 2 bậc từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 châu Á. Ở bảng xếp hạng thế giới, Đại học Thanh Hoa đứng thứ 14.
Cùng với Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa là ngôi trường đại học lâu đời và được đánh giá có chất lượng đào tạo cũng như danh tiếng hàng đầu Trung Quốc.
Nếu như Đại học Bắc Kinh được du học sinh quốc tế biết đến như là trường đại học số 1 về các ngành Khoa học Xã hội và Nghệ thuật thì Đại học Thanh Hoa là trường đứng đầu về ngành Khoa học Tự nhiên, Công nghệ và Kỹ thuật ở Trung Quốc.
Chương trình đào tạo ở Đại học Thanh Hoa gồm hệ Đại học và hệ Thạc sĩ. Học phí tùy vào các ngành đào tạo và dao động từ 30.000-40.000 nhân dân tệ/năm.
Ngoài học phí, Đại học Thanh Hoa còn thu những chi phí khác như: phí đăng ký; phí về chỗ ở (nếu ở ký túc xá) và phí bảo hiểm.
Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (Nanyang Technological University) tụt một hạng so với bảng xếp hạng năm 2022. Dù chỉ mới có tuổi đời 40 năm, Đại học Công nghệ Nanyang là 1 trong 3 trường công lập danh tiếng hàng đầu tại Singapore.
Chất lượng đào tạo của trường trong các ngành nghề về khoa học kỹ thuật, công nghệ được công nhận và đánh giá cao không chỉ tại Singapore mà còn ở Châu Á và thế giới.
Trường đào tạo các ngành Kỹ thuật, Khoa học, Kinh doanh, Nhân văn, Nghệ thuật, Khoa học xã hội và Giáo dục, đồng thời có trường Y liên kết với Đại học Hoàng gia London.
Mức học phí trung bình tại Đại học Công nghệ Nanyang dao động trong khoảng từ 17.000-38.000 đô la Singapore/năm tùy từng chương trình học.
Năm 2023, Đại học Hồng Kông (The University of Hong Kong – HKU) được QS xếp hạng thứ 5 châu Á, thứ 21 thế giới. Thành lập vào năm 1911, trường có nguồn gốc từ Đại học Y khoa Hồng Kông và là trường học lâu đời nhất ở Hồng Kông.
Đại học Hồng Kông đào tạo các chuyên ngành: Kiến trúc; Nghệ thuật; Kinh tế và Kinh doanh; Nha khoa; Giáo dục; Kỹ thuật; Y tế; Khoa học và Khoa học Xã hội.
Năm 2023, Đại học Tokyo, Nhật Bản (The University of Tokyo) góp mặt vào top 10 đại học tốt nhất châu Á ở vị trí thứ 6 sau một năm vắng bóng.
Đại học Tokyo là trường đại học quốc gia đầu tiên tại Nhật Bản, được thành lập từ năm 1877 bởi Thiên Hoàng Minh Trị. Sau hơn 132 năm phát triển, hiện nay, Đại học Tokyo có tất cả 10 khoa, 15 trường sau đại học, 11 viện nghiên cứu trực thuộc, 3 thư viện, 2 viện nghiên cứu nâng cao và Bệnh viện Đại học Tokyo.
Đại học Tokyo đào tạo các hệ: Đại học, sau Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Vị trí nghiên cứu với các ngành: Khoa học xã hội và Truyền thông; Khoa học máy tính; Luật; Nhân văn; Nông nghiệp và các chuyên ngành liên quan Y tế và Sức khỏe.
Học phí tại Đại học Tokyo được phân theo các chương trình đào tạo khác nhau. Tùy vào mỗi chương trình đào tạo sẽ có mức học phí riêng. Đối với hệ Đại học, học phí là 535.800 yen/năm.
Xếp ở vị trí thứ 7 châu Á, thứ 29 thế giới trong bảng xếp hạng của QS là Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc (Seoul National University). Đây được xem là trường đại học danh giá và uy tín nhất xứ sở kim chi. Đồng thời, nhờ sự hợp nhất của 10 tổ chức giáo dục đại học, Đại học Quốc gia Seoul là ngôi trường đại học toàn diện đầu tiên của quốc gia này.
Đại học Quốc gia Seoul có hơn 30,000 sinh viên theo học hằng năm và có 24 trường thành viên trực thuộc.
Trường này có 14 khoa, bao gồm: Nhân văn; Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Điều dưỡng; Quản trị kinh doanh; Kỹ thuật; Khoa học đời sống và Nông nghiệp; Mỹ thuật; Giáo dục; Sinh thái con người; Thú y; Âm nhạc; Y khoa và Nghệ thuật khai phóng.
Học phí của Đại học Quốc gia Seoul dao động từ 2.442.000 won/kỳ đến 5.038.000 won/kỳ.
Đại học Phúc Đán, Trung Quốc (Fudan University) tụt 1 hạng so với bảng xếp hạng năm 2022, xếp thứ 8 đại học tốt nhất châu Á. Đây là tổ chức giáo dục đại học đầu tiên được thành lập bởi một nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc vào năm 1905. Năm 2023, ngôi trường này xếp thứ 34 thế giới trong bảng xếp hạng của QS.
Các chuyên ngành đào tạo nổi tiếng của Đại học Phúc Đán là: Khoa học dữ liệu và Công nghệ dữ liệu lớn; Thông tin và Khoa học Máy tính; Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc; Toán học và Toán học Ứng dụng; Hóa học vật liệu; Hóa học ứng dụng; Dược; Kinh tế quốc tế và thương mại; Khoa học chính trị và Quản trị công và Vật liệu polyme và kỹ thuật.
Học phí đối với hệ đại học của Đại học Phúc Đán từ 23.000-42.000 nhân dân tệ/năm.
Bảng xếp hạng của Tổ chức Giáo dục Anh Quacquarelli Symonds gồm các tiêu chí:
Danh tiếng về học thuật – Academic reputation: Chỉ số thể hiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại một trường đại học. Tiêu chí này chiếm 40% tổng điểm xếp hạng.Tỉ lệ giảng viên trên sinh viên – Faculty to student ratio: Tiêu chí này được sử dụng để đánh giá số lượng sinh viên hiện có với giảng viên và cán bộ trường. Tỉ lệ sinh viên thấp hơn giảng viên/cán bộ trường thường có nghĩa là sự quan tâm, hỗ trợ và tương tác với từng sinh viên được nâng cao hơn.
Tỉ lệ sinh viên quốc tế – International students: Chỉ số này đo lường mức độ đa dạng ở trường đại học thông qua khả năng thu hút tài năng sinh viên từ khắp nơi trên thế giới và có tầm nhìn toàn cầu.
Tỉ lệ giảng viên/cán bộ quốc tế – International faculty: Môi trường giảng viên/cán bộ đa văn hóa là một dấu hiệu tốt cho thấy chất lượng học tập, sự hợp tác nghiên cứu và cởi mở với quan điểm khác nhau.
Uy tín tuyển dụng – Employer Reputation: Tiêu chí đánh giá trường đại học trong mắt của các nhà tuyển dụng tiềm năng. Điểm cao chứng thực kiến thức và kỹ năng tốt của sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học đó.
Trích dẫn của giảng viên – Citations per faculty: Đây thể hiện mức độ hoạt động của một trường đại học về mặt nghiên cứu và đổi mới.