Skip to content

Thêm hãng hàng không dừng khai thác đường bay thẳng Hà Nội – Côn Đảo 

(VNmorningnews) – Bamboo Airways dừng bay chặng bay Hà Nội – Côn Đảo đồng nghĩa với việc từ tháng 4/2024, chặng bay Hà Nội – Côn Đảo lại là sân chơi độc quyền của Vietnam Airlines

Đây là lần thứ hai, đường bay thẳng từ Hà Nội đi Côn Đảo bị dừng khai thác do các yếu tố liên quan đến kinh doanh. Đây là chặng có nhu cầu cao, việc khai thác hạn chế khiến nhiều người tiếc nuối và lo ngại giá vé trở nên đắt đỏ.

them-hang-hang-khong-dung-khai-thac-duong-bay-thang-ha-noi-con-dao-1

Thay vì bay thẳng, khách phải nối chuyến từ Cần Thơ hoặc Tân Sơn Nhất; lựa chọn khác là đi tàu biển từ TPHCM. Nhiều hành khách lo lắng giá vé sẽ lại đắt đỏ như trước, nhất là trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa có xu hướng tăng cao từ năm 2023 đến nay. 

Từ nay đến giữa tháng 3, chỉ còn chuyến vào các ngày 6/3, 11/3, 17/3, sau đó các chỗ còn nhiều hơn. Giá vé luôn ở mức cao, trung bình trên 4 triệu đồng/chặng hạng phổ thông và lên tới 10 triệu đồng/chặng hạng thương gia. 

Nhiều người đang rủ nhau đặt vé đi Côn Đảo từ Hà Nội trước khi đường bay thẳng này đóng cửa và chưa biết bao giờ mới khai thác trở lại.

Việc bay vòng qua TPHCM khiến hành khách mất ít nhất 3 ngày nhưng 3 năm gần đây chỉ cần 2 ngày là đủ.

Giá vé có khi nhỉnh hơn so với bay nối chuyến, nhưng việc chọn bay thẳng giúp tiết kiệm nhiều thời gian. 

Nhiều công ty du lịch cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi chặng bay này đóng cửa. Nhiều khách mua combo vé máy bay – phòng khách sạn chặng Hà Nội – Côn Đảo hay mua tour đi Côn Đảo phải thay đổi kế hoạch. Khách chủ yếu bay Côn Đảo để đi lễ, chỉ 3 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm, vào cuối tuần. Từ khi Bamboo Airways mở lại đường bay thẳng từ Hà Nội, khách ít bay nối chuyến hẳn trừ khi họ có công việc ở Sài Gòn. 

Nhiều người lo ngại, việc chặng bay thẳng duy nhất Hà Nội – Côn Đảo đóng cửa khiến việc đi lại tới đây không còn thuận tiện. Hành khách lại phải mất ít nhất 5 đến 8 tiếng để chờ đợi nối chuyến từ Cần Thơ và TPHCM. Chưa kể, giá vé máy bay sẽ trở nên đắt đỏ khi chỉ còn một hãng khai thác.

Cách đây hơn 10 năm, năm 2012, đường bay thẳng Hà Nội – Côn Đảo lần đầu được hãng hàng không Air Mekong khai thác bằng máy bay phản lực Bombardier CRJ 900. Gọi là bay thẳng, nhưng máy bay vẫn phải hạ cánh ở Tân Sơn Nhất để tiếp nhiên liệu và nghỉ 40 phút nên mất hơn 3 giờ bay.

Tuy nhiên, nhiều hành khách từ Hà Nội vẫn rất hào hứng bởi cũng là đi máy bay, thay vì mất từ nhiều giờ đồng hồ để nối chuyến từ TP.HCM, sau đó là Cần Thơ, và phải chờ đợi như trước, thì nay không tốn quá nhiều thời gian để đến Côn Đảo nữa. 

Nhưng, chỉ sau 1 năm, Air Mekong phải dừng đường bay này.

Đến tháng 9/2020, Bamboo Airways chính thức mở lại đường bay Hà Nội – Côn Đảo bằng tàu bay Embraer E190. Sau 8 năm, hành khách lại được bay thẳng đến Côn Đảo, chỉ mất hơn 2 tiếng. Điều quan trọng, sức nóng cạnh tranh từ đối thủ mới buộc Vietnam Airlines Group phải giảm giá vé bay nối chặng, từ mức 5-7 triệu đồng (đã gồm thuế, phí) có thời điểm còn khoảng 2,7-3 triệu đồng. 

Trong cuộc đua này, hành khách được lợi nhiều nhất. Các đơn vị lữ hành dễ dàng xây dựng tour tuyến do có nhiều sự lựa chọn về khung giờ, giá cả, vì vậy giá tour cũng giảm mạnh. 

Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội cho hay, bình thường, giá vé khứ hồi bay 4 chặng của Vietnam Airlines (Hà Nội – TP.HCM, TP.HCM – Côn Đảo và ngược lại) từ hơn 5 triệu đến 7,5 triệu đồng/người, cộng với giá tour khoảng 1,75 triệu đồng/người đẩy giá tour lên 6,75-9,45 triệu đồng.

Nhờ giá vé máy bay chặng Hà Nội – Côn Đảo giảm chỉ còn từ 3-5 triệu đồng/khứ hồi, cộng với tiền tour khoảng 1,55 triệu đồng/người, giá tour rẻ hơn đáng kể, chỉ 4,55-7 triệu đồng.

Thậm chí, tới năm 2023, một đại lý du lịch cho biết giá combo vé máy bay + phòng khách sạn đi Côn Đảo từ Hà Nội chỉ dao động từ 5-6 triệu đồng (3 ngày 2 đêm), tùy khách sạn. Như vậy, chi phí đi Côn Đảo vẫn duy trì được mức hợp lý sau 3 năm mở đường bay thẳng. 

Nhưng, nhiều hành khách tiếp tục tiếc nuối khi hãng hàng không Bamboo Airways vừa thông báo dừng khai thác đường bay thẳng Hà Nội – Côn Đảo từ tháng 4 tới, sau khi trả sớm 3 tàu bay Embraer E190.

Lý do, theo đại diện Bamboo Airways, là nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của hãng, để tập trung vào các đường bay có nhiều lợi thế. 

Hơn nữa, việc khai thác dòng tàu bay Embraer A190 tốn nhiên liệu, phải có đội bay riêng không thể đào tạo trong nước, máy bay buộc phải đưa ra nước ngoài bảo dưỡng sửa chữa,… dẫn đến chi phí tốn kém trong bối cảnh hãng đang khó khăn về dòng tiền. Đặc biệt, với quy định về trần giá vé máy bay nội địa, loại máy bay này gây lỗ lớn cho hãng và không có cơ hội cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhân chuyến làm việc của Chủ tịch Quốc Hội đầu tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay, sân bay Côn Đảo có đường cất hạ cánh chỉ dài 1,8km nên chỉ đón được máy bay nhỏ, muốn đón máy bay cỡ lớn như A321 cần có đường cất hạ cánh dài 2,4km. Nếu kéo dài đường cất hạ cánh lên 2,4 km thì chi phí sẽ đẩy lên.

Do đó, Bộ GTVT đang nghiên cứu thuê chuyên gia quốc tế để đánh giá chiều dài đường cất hạ cánh phù hợp. Sau khi có kết quả nghiên cứu sẽ tiếp tục xem xét báo cáo Chính phủ, Quốc hội để xin triển khai theo hình thức PPP hay đầu tư công.

Theo quy hoạch, Cảng hàng không Côn Đảo sẽ được mở rộng để đạt công suất 2 triệu khách/năm, gấp 5 lần hiện tại, với 8 vị trí đỗ máy bay (thêm 6 vị trí mới); đường băng kéo dài thêm 15m và mở rộng thêm 5m so với hiện nay, đáp ứng khả năng khai thác máy bay Airbus A320/321 và tương đương; bổ sung đèn tín hiệu, công trình quản lý bay để có thể khai thác vào ban đêm.

Tổng mức đầu tư dự án trên hơn 3.794 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải dự kiến bố trí khoảng 1.590 tỷ đồng để thực hiện đầu tư từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao. Phần còn lại sử dụng vốn doanh nghiệp như nhà ga hành khách, công trình quản lý bay.

Copyright©2024 VN MORNING NEWS - Ghi rõ nguồn 'VNMorningNews.com' khi phát hành lại thông tin từ website này.

Secured By miniOrange