(VNmorningnews) – Theo nghiên cứu mới của Acumen về xu hướng du học sau đại dịch Covid-19, sinh viên Đông Nam Á ngày càng quan tâm đến du học ở các nước châu Á, thúc đẩy mở rộng giáo dục xuyên quốc gia

Thị trường du học ở các nước châu Á sẽ chứng kiến sự cạnh tranh của các quốc gia, vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan nhằm thu hút sinh viên Đông Nam Á, theo báo cáo Xu hướng chính ở Đông Nam Á 2024 được công bố gần đây của Công ty tư vấn giáo dục quốc tế Acumen.

sinh-vien-dong-nam-a-ngay-cang-ua-chuong-du-hoc-o-cac-nuoc-chau-a-1

Báo cáo của Acumen đưa ra dự báo và phân tích toàn cảnh về sự phát triển trong khu vực, đặc biệt tập trung vào xu hướng du học của sinh viên ở Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Hiện Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong số 5 điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Trả lời phỏng vấn trang tin University World News ngày 21/2, ông Haike Manning, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Acumen, lưu ý, Việt Nam là quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có nguồn sinh viên du học lớn nhất, tiếp đó là Indonesia, Malaysia và Philippines.

Theo báo cáo Acumen, vào năm 2022, hơn 350.000 sinh viên Đông Nam Á đang du học. Như vậy, Đông Nam Á trở thành khu vực có số lượng sinh viên du học lớn thứ ba trên toàn cầu sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Cũng theo báo cáo của Acumen, các yếu tố kinh tế và nhân khẩu học, sự phát triển của những trường quốc tế trong khu vực, chương trình giáo dục xuyên quốc gia (TNE) là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu về giáo dục quốc tế.

Những quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á đang trở thành điểm đến du học hấp dẫn hơn các nước nói tiếng Anh nhờ vào chương trình vừa học vừa làm hấp dẫn và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc top 5 điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam, Indonesia và Malaysia

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

Báo cáo của Acumen lưu ý, gia đình tầng lớp trung lưu Đông Nam Á gia tăng nên có đủ nguồn tài chính cho con cái theo đuổi giáo dục ĐH quốc tế, bao gồm chương trình TNE.

Theo ông Haike Manning, tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5% đến 6% ở các quốc gia như Indonesia và Việt Nam góp phần làm tăng quy mô thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu. “Điều này được phản ánh qua sự phát triển của những trường tư thục và trường quốc tế, với chi phí khá đắt đỏ. Không ít bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư vào giáo dục từ lúc con cái còn nhỏ để tạo nền tảng du học sau này”, ông Manning nói.

Ông Manning lưu ý, việc thành lập các ĐH quốc tế ở Indonesia do ĐH Monash (Úc) dẫn đầu vào năm 2020, tiếp đó là những ĐH khác của Úc đã mang đến cơ hội mới, đồng thời “thay đổi nhận thức về giáo dục quốc tế”. “Hệ thống ĐH trong nước ở Đông Nam Á chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên, và phải đối mặt nhiều hạn chế về năng lực lẫn chất lượng. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà cung cấp giáo dục quốc tế”, ông Manning chia sẻ.

Một yếu tố quan trọng khác là cơ hội việc làm trong tương lai. Cụ thể, sinh viên Việt Nam hoặc Philippines ngày càng quan tâm liệu rằng giáo dục ĐH quốc tế “có thể liên quan đến việc làm” hay không, Manning nói.

“Các gia đình mong muốn khoản đầu tư vào du học ở các nước châu Á sẽ mang lại cơ hội việc làm tốt hơn cho con em của mình”, ông Manning nói. Chẳng hạn, số lượng lớn sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc “gắn liền với cơ hội việc làm ở ở nước này sau khi tốt nghiệp”, theo ông Manning.

Từ đó, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc nỗ lực gắn liền chương trình đào tạo với cơ hội việc làm cho du học sinh để phần nào giải quyết tình trạng thiếu hụt thị trường lao động khi dân số già đi. Ông Manning cho rằng: “Một số du học sinh cũng có thể đang tìm kiếm con đường định cư, nhưng điều này ít xảy ra hơn đối với sinh viên Indonesia”.

Còn ở Việt Nam, ông Manning chỉ ra rằng: “Hệ thống giáo dục nước này khá tốt xét theo mức thu nhập và GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, khả năng nhiều trường ĐH điều chỉnh chương trình và thích ứng nhanh chóng với nhu cầu doanh nghiệp là chưa cao. Do đó, các gia đình ở Việt Nam tìm đến nền giáo dục quốc tế”.

Giáo dục xuyên quốc gia

Dù những quốc gia nói tiếng Anh truyền thống vẫn chiếm ưu thế, nhưng dữ liệu của Acumen cho thấy các điểm đến ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia đang ngày càng phổ biến đối với du học sinh Đông Nam Á.

Một trong số các yếu tố giúp các điểm đến châu Á trở nên hấp dẫn là xu hướng mở rộng giáo dục xuyên quốc gia, mang lại giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí hơn so với việc học tập ở các nước nói tiếng Anh.

“Trong 3 năm qua, mô hình ‘campus within a campus’ (tức ĐH mở cơ sở ở nước ngoài) phát triển ở Việt Nam. Trong khi đó Indonesia có 4 cơ sở gồm: 3 cơ sở của Úc và một cơ sở liên doanh giữa ĐH Lancaster và ĐH Deakin”, báo cáo của Acumen ghi nhận.

Sự phát triển của các bằng cấp quốc tế (hay văn bằng kép) do các ĐH của Anh, Úc cấp trong khuôn khổ chương trình TNE ngay tại những quốc gia Đông Nam Á. Năm 2021, hơn 53.000 sinh viên đang học các chương trình TNE của Úc tại Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Các trường quốc tế Đông Nam Á ra sức thu hút sinh viên

Sự phát triển của các trường quốc tế trong khu vực Đông Nam Á là một dấu hiệu khác cho thấy mong muốn của các gia đình về nền giáo dục quốc tế và khả năng tài chính của họ.

Năm 2022, có 1.905 trường quốc tế ở Đông Nam Á, tăng gần 25% so với năm 2017, phục vụ gần 600.000 học sinh trên toàn khu vực. Các trường quốc tế có một chương trình giảng dạy quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc chương trình giảng dạy kép cùng với bằng tốt nghiệp trung học địa phương.

Tính đến năm 2021, theo Acumen, có hơn 100 trường quốc tế trên khắp Việt Nam, thu hút cả học sinh trong nước và quốc tế theo học. Số lượng sinh viên đã tăng 56% trong 5 năm qua, tính đến tháng 7.2023.

Vào tháng 10/2023, chính phủ Indonesia báo cáo có hơn 900 hợp tác quốc tế thực hiện chương trình giảng dạy kép, chủ yếu tuyển sinh học sinh Indonesia.

Theo tổ chức nghiên cứu giáo dục quốc tế ISC Research (Anh), trong 5 năm từ tháng 7.2018-7.2023, số lượng trường quốc tế ở Singapore đã tăng 34% và số lượng học sinh ghi danh tăng 19%, chủ yếu từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Các trường quốc tế Singapore được xem như là một bước đệm để nói tiếp nền giáo dục ĐH ở các quốc gia khác như Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ.

Ngoài ra, Malaysia vẫn là thị trường quan trọng thứ ba đối với sinh viên quốc tế bậc ĐH trong nhiều năm qua.