(VNmorningnews) – Đại diện cơ quan quản lý cho rằng có thể có phim Việt đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, sau thành công của “Mai”, “Lật mặt 7”
Câu chuyện doanh thu phim Việt được nêu ra trong buổi tọa đàm về phát triển văn học nghệ thuật TP HCM, sáng 5/8. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Cục trưởng Điện ảnh – đánh giá gần đây, điện ảnh trong nước chứng kiến nhiều điểm sáng. Mùa Tết Giáp Thìn, phim Việt đạt gần 700 tỷ đồng – tín hiệu tích cực từ sau đại dịch. Trong số đó, Mai (Trấn Thành đạo diễn) đạt doanh thu 520 tỷ đồng theo đơn vị phát hành, trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời. Tháng 4, Lật mặt 7 (Lý Hải) trở thành phim nội địa có doanh thu cao thứ hai, với 482 tỷ đồng.
Theo bà Thu Hà, phòng vé tăng trưởng giúp điện ảnh Việt được một số đơn vị truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á. “Nhiều năm trước, các nhà làm phim thấy doanh thu trăm tỷ khá xa vời. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường cho thấy có khả năng mở rộng lên mức 500 tỷ đồng mỗi phim. Thậm chí, phim Việt có thể đạt 1.000 tỷ đồng là câu chuyện không còn xa xôi”, bà Thu Hà nói.
Đại diện cơ quan quản lý đánh giá công thức thành công của các phim Trấn Thành, Lý Hải xuất phát từ việc câu chuyện chạm đến người xem, khai thác tốt bối cảnh. Chẳng hạn, trước khi Bố già (2021) ra rạp, đạo diễn đo lường thị hiếu người xem thông qua series phát trực tuyến cùng tên, từ đó nắm bắt được tâm lý khán giả. Ngoài nội dung tạo đồng cảm – xoay quanh mâu thuẫn các thế hệ gia đình, khung cảnh xóm nghèo ngập nước, đời sống người lao động được chuyển tải khéo léo lên màn ảnh rộng. Hoặc với Mai, đạo diễn chọn bối cảnh nhân vật chính sinh sống là một chung cư cũ tại quận 5 (TP HCM), tạo cảm giác gần gũi với đông đảo người xem.
Tương tự, phim Lý Hải thắng lớn nhờ tiến bộ rõ rệt qua từng phần. Bà Thu Hà nhớ những phần đầu của series Lật mặt chịu nhiều “gạch đá” khi ra rạp vì nội dung mắc nhiều lỗi. Ở phần bảy, đạo diễn thể hiện được tay nghề, đặc biệt ở khâu hình ảnh. “Khung cảnh TP HCM hiện lên hiện đại, mang đậm hơi thở đời sống. Đặc biệt, êkíp phim Mai hay Lật mặt 7 đều là người Việt”, Phó Cục trưởng Điện ảnh nhận xét.
Theo bà Thu Hà, TP HCM có nhiều tiềm năng để trở thành “thành phố điện ảnh” trong tương lai. Số liệu từ Cục Điện ảnh cho thấy hàng năm, hơn 90% phim đến từ công ty thuộc TP HCM, còn lại là Hà Nội và các tỉnh thành – chủ yếu là phim đặt hàng từ Nhà nước. “Để mục tiêu ‘thành phố điện ảnh’ được thành công, chắc chắn cần sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND thành phố nhằm khơi nguồn, thu hút các nhà đầu tư, đơn vị sản xuất và các nguồn lực xã hội hóa”, bà Thu Hà cho biết.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp làm phim Việt cho rằng họ đang gặp nhiều rào cản chính sách về chế độ ưu đãi, hỗ trợ nguồn vốn, nhân lực. Đại diện các nhà sản xuất, bà Ngô Thị Bích Hạnh – CEO công ty BHD – cho biết hiện tiền thuê đất, đầu tư cho rạp chiếu phim còn khá cao, kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Sau giai đoạn đầu phát triển mạnh, các rạp đang dậm chân tại chỗ, thậm chí nhiều cụm rạp đóng cửa sau đại dịch. Theo bà, Nhà nước cần có có chính sách giúp các rạp được thuê với giá ưu đãi, từ đó khuyến khích việc đầu tư vào rạp chiếu nói riêng và các địa điểm văn hóa nói chung.
CEO hãng phim BHD cũng cho rằng nên giảm thiểu thủ tục hành chính cho các đoàn quay phim, khuyến khích êkíp quay nhiều bối cảnh của TP HCM để quảng bá hình ảnh. Bà cho rằng ngoài các địa điểm quốc phòng, ở các điểm công cộng như công viên, đường xá, viện bảo tàng, danh lam thắng cảnh, nếu không có biển cấm quay phim chụp ảnh, các đoàn phim có quyền được quay miễn phí.
“Tuy nhiên, việc quay phim sẽ được thông báo trước ít nhất 48 giờ bằng văn bản cho cơ quan quản lý. Đoàn phim phải tuân thủ các quy định của địa điểm, chịu trách nhiệm về an toàn, dọn dẹp sạch sẽ hiện trường sau khi quay”, bà Bích Hạnh đề xuất.