(VNmorningnews) – Nắng nóng không trực tiếp gây ra tình trạng đột quỵ. Song nhiệt độ cơ thể thay đổi, thúc đẩy các yếu tố trực tiếp gây ra nguy cơ đột quỵ trong mùa nắng nóng

Hiện dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho thấy đầu tháng Tư, nền nhiệt tại Nam bộ vẫn duy trì ở mức rất cao, 35-38°C. Nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể còn cao hơn.
Thời tiết nắng nóng kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có đột quỵ.
nguyen-nhan-de-gap-nguy-co-dot-quy-trong-mua-nang-nong-2
Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi, có thể kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe

Theo các chuyên gia sức khỏe, người bệnh đột quỵ tăng chủ yếu dựa vào 2 nguyên nhân chính.

Đầu tiên, cơ cấu bệnh tật của người Việt đang có sự dịch chuyển. Cụ thể, số lượng người mắc các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm có sự gia tăng đáng kể. Nổi bật trong đó là bệnh chuyển hoá như đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh tăng huyết áp…

Bên cạnh đó, lối sống không khoa học, tiếp xúc với nhiều bia rượu, thuốc lá cũng được chứng minh là liên quan đến gia tăng nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Tăng huyết áp được ghi nhận là bệnh lý đi kèm phổ biến nhất của người bệnh đột quỵ tại khoa chúng tôi. Huyết áp tăng kéo dài là nguyên nhân gây ra các thương tổn trên thành mạch máu, các túi phình, ngoài ra huyết áp cao còn tác động đến rất nhiều cơ quan như tim, thận… và đây là những nguy cơ rất cao cho đột quỵ.

Bên cạnh đó, người có thể trạng béo phì, mắc bệnh rối loạn chuyển hoá như tăng mỡ máu, đái tháo đường, có thể dẫn đến các mảng xơ vữa. Theo thời gian, mảng xơ vữa dày lên gây viêm có thể sinh ra máu đông bám, ngoài ra khi huyết áp tăng, mảng xơ vữa bong ra, dịch chuyển trong mạch máu, có thể gây tắc mạch, dẫn đến nhồi máu não.

Thứ hai, nhận thức của người dân về đột quỵ đang dần tốt hơn. Nhờ công tác truyền thông tốt, mọi người có thể nhận biết được các triệu chứng và nguy cơ đột quỵ, từ đó nhập viện sớm hơn.

Nắng nóng, nhiệt độ cao không phải là yếu tố trực tiếp gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, đây là yếu tố gián tiếp, thúc đẩy các nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ.

Nhiệt độ môi trường tăng cao có thể dẫn tới nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, nhiệt độ môi trường tăng 1ºC thì tỷ lệ mắc đột quỵ nhồi máu não ở người cao tuổi lại tăng thêm xấp xỉ 3%. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh nhiệt độ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ trong đa số trường hợp tham gia nghiên cứu.

Nhiệt độ môi trường cao tác động lên cơ thể dẫn tới những thay đổi như mất nước, máu dễ bị kết dính và lưu thông kém, ngoài ra nó còn tác động lên cơ chế điều nhiều dẫn đến tăng cung lượng tim và tăng huyết áp. Ở các người bệnh có yếu tố nguy cơ, mắc bệnh nền, nhiệt độ cao sẽ làm tăng thêm các áp lực, nguy cơ đột quỵ cũng từ đó cao hơn.

Do đó, càng tiếp xúc với nắng nóng càng lâu, mọi người, nhất là những trường hợp có bệnh lý nền, rất dễ có nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ thường có thể được nhận biết thông qua 3 triệu chứng cơ bản, bao gồm:

  • Đột ngột méo miệng

  • Đột ngột tê yếu nửa người

  • Đột ngột lơ mơ, nói khó.

Lúc này, người bệnh nên được chuyển đến các cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh những người xung quanh tuyệt đối không bấm huyệt, chích máu để sơ cứu người bệnh đột quỵ. Điều này có thể gây ra thêm các nguy cơ chấn thương, nhiễm trùng không cần thiết khác cho bệnh nhân.

Đối với những người bệnh đột quỵ nhồi máu não, trong một phút, họ đã mất 5 triệu tế bào não. Việc sơ cứu người bệnh sai cách sẽ làm người bệnh lỡ mất thời gian vàng điều trị, từ đó ảnh hưởng rất lớn đế việc điều trị và khả năng hồi phục.