(Vnmorningnews) – Ngân hàng Kasikornbank muốn rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam nhằm đạt mục tiêu có 8,4 triệu người dùng.
Thông tin Ngân hàng Kasikornbank muốn rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam vừa được Chủ tịch KBank Pipit Aneaknithi công bố. Số tiền sẽ được rót từ nay đến năm 2027. Trong số đó, 735 triệu USD đầu tư vào ngân hàng. Số tiền còn lại dành cho hai công ty con của KBank tại Việt Nam là quỹ đầu tư KVision (336 triệu USD) và công ty công nghệ KBTG (7 triệu USD).
Kasikornbank (KBank) – ngân hàng lớn hai Thái Lan – muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam
Hiện KBank có một văn phòng đại diện tại Hà Nội và KBank chi nhánh TP HCM được cấp phép hoạt động từ 2021 với vốn điều lệ ban đầu 80 triệu USD. Mới tháng 5 năm nay, họ tăng vốn điều lệ lên 285 triệu USD, thành chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ cao thứ hai tại Việt Nam.
Nói về lý do Ngân hàng Kasikornbank muốn rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam, đại diện doanh nghiệp này cho biết rằng Việt Nam được xem là trọng điểm phát triển của khu vực Đông Nam Á của nhà băng này. Nơi đây có lợi thế đáng chú ý ở dân số trẻ, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật có thể giúp đất nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với việc chính phủ có những chính sách chèo lái kinh tế tốt, theo ông Pipit Aneaknithi.
Ông ví công thức phát triển cho Việt Nam như việc chuẩn bị một món ăn với đủ 3 nguyên liệu. Nguyên liệu đầu tiên là nhân sự, với hơn 20 triệu sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng năm. Nguyên liệu thứ hai là công nghệ. Nguyên liệu thứ ba là tài chính, nơi ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp tiến lên.
Với việc tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, ông lớn ngân hàng Thái nhắm đến nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và cá nhân. Ông Pipit Aneaknithi nhìn thấy cơ hội khi hơn 97% doanh nghiệp ở Việt Nam là SME nhưng chỉ chiếm 20% thị phần trong cơ cấu thị trường vốn tín dụng.
Đến cuối năm nay, chi nhánh tại TP HCM của nhà băng này đặt mục tiêu giải ngân 40 triệu USD cho SME và hộ kinh doanh hoàn toàn qua online. Dịch vụ trực tuyến liền mạch lớn đang được nhắm tới.
Với khách hàng cá nhân, KPlus đã chào sân được một năm và có 760.000 người dùng. Họ đặt mục tiêu 1,3 triệu người dùng vào cuối năm nay và 8,4 triệu người dùng vào 2027. Mới đây, ứng dụng này tung chương trình gửi tiết kiệm lãi suất đến 8,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Đại diện nhà băng cho hay mức lãi này được chọn ra mắt đúng thời điểm mặt bằng lãi tiết kiệm ở Việt Nam đang giảm.
Ngoài mảng ngân hàng, KBTG Việt Nam sẽ tiếp tục săn lùng nhân tài công nghệ thông tin để nâng quy mô từ 100 nhân viên hiện nay lên 650 người vào 2027. Trong khi, KVision đi tìm kiếm các dự án triển vọng để đầu tư.
Ông Chat Luangarpa, Phó chủ tịch KBank cho biết hệ sinh thái của nhà băng phát triển dựa trên mối quan hệ cộng sinh giữa tinh thần khởi nghiệp, sức mạnh công nghệ và mảng kỹ thuật số. Trong đó, tinh thần khởi nghiệp khơi dậy những ý tưởng đổi mới. Khi các dự án này phát triển, công nghệ sẽ bước vào để cung cấp các công cụ và giải pháp cần thiết. Mảng kỹ thuật số là cầu nối, cung cấp các nền tảng và kênh để các cải tiến tiếp cận rộng rãi đến nhiều đối tượng.
Thị trường Việt Nam – nơi có nhiều ngân hàng – cũng không phải miếng bánh dễ dàng
Bối cảnh kinh tế lúc họ đặt chân tới Việt Nam cũng không mấy suôn sẻ. KBank nhận giấy phép mở chi nhánh hồi 2021, thời điểm đại dịch bùng phát. Đến nay, khi Covid-19 đã qua đi thì thị trường ít nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến các ngân hàng tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, KBank mới có giấy phép của 1 chi nhánh, do đó, lãnh đạo ngân hàng thừa nhận chỉ có thể mở rộng mạng lưới khách hàng qua con đường kỹ thuật số, nhờ eKYC (định danh điện tử).
Cũng không loại trừ khả năng KBank sẽ tìm đơn vị phù hợp để thâu tóm. Mới đây,Reuters đưa tin nhà băng này đang tìm cơ hội mua lại Home Credit Việt Nam với giá lên đến 1 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Chat Luangarpa từ chối bình luận.
Về dài hạn, trong khi các khu vực đô thị ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhiều khu vực nông thôn vẫn còn bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu. KBank cho rằng sự chênh lệch này tạo ra chỗ trống cho họ mở rộng. Và họ phải đánh cược tương lai đó vào kênh trực tuyến.
KBank bước vào Việt Nam bằng thế kiềng 3 chân: ngân hàng – công nghệ – đầu tư. Đây vốn là công thức họ đã làm ở quê nhà. Đây là nhà băng lớn thứ hai Thái Lan xét theo tổng tài sản, với 122,9 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.
Họ cũng khá nhanh nhạy với các công nghệ mới như phát hành thư đảm bảo blockchain, mở sàn giao dịch NFC hay sàn huy động vốn tiền điện tử (ICO), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đứng sau hạ tầng công nghệ là 22.000 nhân sự.
Tiền thân KBank là ngân hàng cho nông dân, ngân hàng này thành lập năm 1945 bởi ông Choti Lamsam. Cháu trai của nhà sáng lập là Banthoon Lamsam kế tục việc điều hành trong 28 năm trước khi rời ghế chủ tịch năm 2020 để nghỉ hưu. Hiện ông Banthoon Lamsam và gia đình có tài sản 1,1 tỷ USD, giàu thứ 32 tại Thái Lan theo thống kê của Forbes.