(VNmorningnews) – Súc miệng bằng nước muối góp phần giúp hơi thở thơm mát. Đó là nhờ nước muối có đặc tính khử trùng, tạo môi trường kiềm ngăn vi khuẩn phát triển, giảm mảng bám trong miệng.

Vấn đề răng, miệng là một trong những nguyên nhân làm cho hơi thở có mùi khó chịu. Vệ sinh răng miệng đúng cách bằng chỉ nha khoa, đánh răng, nước súc miệng, trong số đó có súc miệng bằng nước muối giúp giảm thức ăn, mảng bám, hơi thở thơm mát.

Dùng nước muối súc miệng có thể tiêu diệt, ngăn chặn nhiều loại vi khuẩn phát triển trong miệng thông qua quá trình thẩm thấu, chống lại nhiễm trùng. Nước muối không chứa cồn, an toàn và không gây kích ứng nướu, giảm mùi hôi.

Súc miệng bằng nước muối còn loại bỏ mảng bám trong miệng và thúc đẩy quá trình phục hồi sau các thủ thuật nha khoa (trồng răng, nhổ răng, niềng răng…), giảm triệu chứng như lở loét, dị ứng và đau răng. Đây còn là biện pháp phòng ngừa viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng – những nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp.

ly-do-nen-suc-mieng-bang-nuoc-muoi-1
Súc miệng giúp loại bỏ vi khuẩn, mảng bám

Nước muối góp phần cân bằng độ pH bên trong miệng, tạo ra môi trường có tính kiềm. Bởi các loại vi khuẩn có hại dễ phát triển trong môi trường axit hơn. Khi môi trường được trung hòa, miệng bớt viêm, giảm mùi hôi.

Súc miệng bằng nước muối trong các trường hợp dưới đây góp phần loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng.

Sau khi nhổ răng: Súc miệng nhiều lần trong ngày, nhất là sau khi ăn để loại bỏ vi khuẩn khỏi vùng đau nhức, ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan, sạch miệng.

Bệnh nha chu: Đây là một trong những nguyên nhân gây ra mùi hơi thở. Bạn có thể cho một thìa cà phê muối vào cốc nước ấm, sau đó súc miệng khoảng 2-3 lần một ngày để loại bỏ vi khuẩn, giảm hôi miệng.

Súc miệng bằng nước muối khi đau răng làm dịu cơn đau tạm thời, loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng. Đây còn là biện pháp hỗ trợ điều trị nhiễm trùng nướu. Nước muối có thể hút chất lỏng dư thừa trong các mô bị nhiễm trùng, loại bỏ vi khuẩn, mảng bám, giúp hơi thở thơm mát. Bạn có thể súc miệng bằng nước muối trong 15-20 giây, sau đó nhổ ra và lặp lại để dịu cảm giác đau họng.

Để đạt hiệu quả khi súc họng, mọi người nên súc họng chứ không phải chỉ súc miệng. Để súc họng, bạn nên ngậm một ít nước muối (chỉ khoảng 5 ml), sau đó ngửa cổ lên và cố gắng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng. Bạn khò trong khoảng 30 giây, sau đó nhổ ra ngoài; lặp lại động tác này khoảng 3-4 lần. Với cách này, bạn có thể rửa sạch vùng họng, loại bỏ phần nào tác nhân gây hại, phòng ngừa bệnh.

Pha 230 ml nước với một thìa cà phê muối để đảm bảo an toàn, tránh lạm dụng vì dễ kích ứng nướu. Bạn nên súc miệng sau khi đánh răng, cho lượng dung dịch vừa đủ, ngửa đầu ra sau để nước muối đến cổ, họng. Thời gian mỗi lần khoảng 15-20 giây, không nên nuốt.