(VNmorningnews) – Mới đây, các clip TikTok làm dấy lên ‘cơn sốt’ trà xanh giúp giảm cân. Song các chuyên gia về dinh dưỡng và sức khỏe cho biết nhiều nghiên cứu và bằng chứng về việc liệu trà xanh có giúp giảm cân hay không vẫn còn khá mờ nhạt
Trà xanh đã được coi là một phần của phương pháp ăn kiêng trong nhiều thế kỷ. Ở Trung Quốc cổ đại, khoảng 2.000 năm trước, người ta đã quảng cáo đồ uống này như một công cụ giúp giảm cân. Trong thời hiện đại, trà xanh thường xuất hiện trong các cuốn sách về chế độ ăn kiêng.
Mới đây, thức uống này tiếp tục phổ biến trên TikTok. Các video lan truyền khẳng định trà xanh hỗ trợ giảm cân, thậm chí còn gọi nó là “Ozempic của tự nhiên” (Ozempic là loại thuốc điều trị cả tiểu đường và tiền tiểu đường, cần bác sĩ kê đơn). Một số bài đăng đề nghị uống tối đa 5 cốc trà xanh/ngày.
Các clip TikTok lý giải trong trào lưu trà xanh giúp giảm cân
Theo NYTimes, các clip TikTok lý giải về việc trà xanh giúp giảm cân nhờ trà xanh tăng cường sản xuất GLP-1 – loại hormone đường ruột thúc đẩy tuyến tụy tiết ra insulin sau bữa ăn. Ngược lại, insulin làm giảm lượng đường trong máu. GLP-1 cũng làm chậm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày và chất này cũng ảnh hưởng đến các vùng não điều chỉnh cơn đói.
Ozempic và các loại thuốc tương tự cung cấp một hợp chất bắt chước GLP-1, khiến mọi người cảm thấy no nhanh hơn. Nhiều người sử dụng có thể không còn cảm thấy thèm ăn dữ dội như trước.
Các chuyên gia sức khỏe nói gì về GLP-1 và caffeine, chất chống oxy hóa trong trà xanh
NYTimes thông tin Tiến sĩ Jyotsna Ghosh, bác sĩ y khoa béo phì tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết mặc dù có một số nghiên cứu về trà xanh và cân nặng nhưng bằng chứng về việc liệu đồ uống này có giúp giảm cân hay không vẫn còn chưa rõ ràng.
Tuy một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng trà xanh có thể kích thích GLP-1, một phần vì các nghiên cứu đã tìm thấy chiết xuất trà xanh có thể hạ đường huyết ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường. Nhưng thực tế đây chỉ có một vài nghiên cứu nhỏ ở người và kết quả không thực sự thuyết phục.
Đáng lưu ý, một trong số ít thử nghiệm lâm sàng về chủ đề này, xem xét 92 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, cho thấy không có sự khác biệt đáng chú ý trong việc sản xuất GLP-1 giữa những người dùng chiết xuất trà xanh và những người dùng thuốc giả dược.
Các chuyên gia cho biết những tác động của trà xanh có thể có đối với GLP-1 dường như không đáng kể. Tiến sĩ Ghosh cho biết bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào cũng có thể làm tăng một chút mức GLP-1. Nhưng sau đó vài phút nồng độ GLP-1 trong máu giảm xuống; đây là một trong những lý do khiến chúng ta cảm thấy đói trở lại và tại sao việc tăng cường hormone tạm thời không đảm bảo cho chuyện giảm cân.
Ngược lại, Ozempic và các loại thuốc tương tự tồn tại trong cơ thể nhiều ngày và mạnh mẽ hơn nhiều so với hormone tự nhiên, khiến chúng có tác dụng đặc biệt trong việc ngăn chặn cơn thèm ăn.
Nhiều tuyên bố về trà xanh và giảm cân đề cập đến hai thành phần của thức uống: caffeine và chất chống oxy hóa.
Về lý thuyết, caffeine có thể tăng tốc độ trao đổi chất ở người lên một chút. Nhưng tiến sĩ Ghosh cho biết tác động đó khó có thể trực tiếp dẫn đến việc giảm cân đáng kể.
Trà xanh cũng chứa các hợp chất gọi là polyphenol, chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và giảm viêm. Các nghiên cứu trên động vật và tế bào người cho thấy những hợp chất này có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giảm sự hấp thụ chất béo từ ruột. Nhưng các thử nghiệm ở người đã cho nhiều kết quả khác nhau.
Cũng đã có một số nghiên cứu nhỏ xem xét trực tiếp liệu trà xanh có liên quan đến việc giảm cân hay không. Một bài báo đánh giá, xem xét hơn 10 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng như vậy, phát hiện những người dùng chiết xuất trà xanh thường giảm một chút cân nặng mà “có thể không có ý nghĩa quan trọng về mặt lâm sàng”. Các nghiên cứu khác cũng phát hiện những người uống trà xanh có xu hướng giảm một lượng nhỏ cân nặng, thường dưới 1,8 kg.
Giảm cân hiệu quả cần không chỉ tập trung vào chế độ ăn uống
Rob van Dam, giáo sư về khoa học tập thể dục và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng thuộc Viện Milken ở Đại học George Washington (Mỹ), cho biết những người chuyển sang dùng trà xanh để giảm cân “không thể mong đợi tác dụng lớn và chắc chắn không có gì gần với các loại thuốc như Ozempic”.
Julia Zumpano, chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Phòng khám Cleveland ở Ohio (Mỹ), nói thêm rằng việc tập trung vào một loại thực phẩm hoặc đồ uống đã bỏ qua nhiều yếu tố khác đóng vai trò trong việc giảm cân. Những yếu tố này bao gồm chế độ ăn uống đa dạng hơn, thói quen tập thể dục, di truyền, căng thẳng, sức khỏe trao đổi chất và thậm chí cả chất lượng giấc ngủ của một người.
“Nếu giảm cân là mục tiêu, hãy xem bạn có thể cải thiện lối sống như thế nào. Đó không chỉ là một loại thực phẩm, thuốc, chất bổ sung hay bất cứ thứ gì cụ thể”, bà Zumpano nói.