(VNmorningnews) – Kể từ ngày 22/4, khách du lịch đến Hong Kong (Trung Quốc) sẽ phải tự mang theo đồ dùng cá nhân, nước suối khi lưu trú tại các khách sạn

Trong những năm qua, Hong Kong phải đối mặt với thách thức leo thang khi phải tiêu hủy 11.000 tấn rác thải tại các bãi chôn lấp. Trong số đó, khoảng 21% là các sản phẩm nhựa, chiếm vị trí thứ hai trong số lượng rác thải được tạo ra, chỉ sau rác thực phẩm.

Để giải quyết vấn đề này, một lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần đã được ban hành. Lệnh cấm hướng đến việc loại bỏ các đồ nhựa dùng một lần – những sản phẩm được thiết kế để sử dụng một lần và sau đó bị vứt bỏ.

hongkong-cam-do-nhua-dung-mot-lan-khach-du-lich-se-tu-mang-nuoc-suoi-2
Hong Kong thu hút khách du lịch nhờ cảnh quan tươi đẹp cùng các địa điểm lịch sử
 

Theo SCMP, quy định cấm mới này được chia thành 2 giai đoạn

Giai đoạn đầu bắt đầu từ 22/4 sẽ cấm sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần bao gồm nước đóng chai, bàn chải, kem đánh răng, bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, dao cạo râu, dũa móng tay, lược và mũ tắm tại các cơ sở lưu trú như khách sạn.

Giai đoạn thứ hai dự định có hiệu lực vào năm 2025, sẽ cấm phân phối miễn phí nút tai thân nhựa và cả chỉ nha khoa.

Khách du lịch không mấy ảnh hưởng

Doanh nhân người Australia Marcus Taylor, 35 tuổi, chia sẻ không biết về các quy tắc mới có hiệu lực vào hôm 22/4, nhưng việc thiếu một số tiện nghi do khách sạn cung cấp không phải là vấn đề.

“Tôi luôn mang theo bàn chải và kem đánh răng của riêng mình khi đi du lịch, bởi vì nhiều khách sạn ở châu Âu không cung cấp chúng. Không khó để mua những gì bạn cần ở Hong Kong”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Taylor cho rằng việc thiếu nước đóng chai trong phòng khách sạn là “không thể chấp nhận”.

hongkong-cam-do-nhua-dung-mot-lan-khach-du-lich-se-tu-mang-nuoc-suoi-3
Nhiều khách du lịch cảm thấy không bị ảnh hưởng khi Hong Kong ban hành lệnh cấm mới

Nữ du khách tên Jane đến từ New York (Mỹ) cho biết cô đã quen với khái niệm cấm sử dụng đồ nhựa vì Mỹ từng thực hiện các kế hoạch tương tự. Dĩ nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng đến trải nghiệm của cô ở Hong Kong.

“Khi đi du lịch ở Mỹ, ai đi du lịch cũng mang theo đồ vệ sinh cá nhân cỡ nhỏ. Nó giống như một tờ USD nhét túi”, cô cho hay.

Cô chia sẻ rằng mình không cảm thấy thiếu nếu đồ vệ sinh cá nhân của khách sạn không được cung cấp. Đây là một xu hướng toàn cầu thân thiện hơn với môi trường.

“Đây không phải là sự hy sinh, tôi hiểu sự cần thiết phải giảm việc sử dụng nhựa để giảm lượng khí thải carbon”, cô Jane nói.

Một khách du lịch đến từ Thuận Đức (Quảng Đông, Trung Quốc) cũng cảm thấy như vậy. Cô cho biết mình thường mang theo đồ vệ sinh cá nhân khi đi du lịch và cảm thấy rất vui khi đóng góp tích cực cho môi trường bằng cách sử dụng ít nhựa hơn.

Các khách sạn dần thay đổi

Jack Cheung Ki-tang, giám đốc chuỗi khách sạn CTS HK Metropark Hotels Management, cho biết các nhân viên giải thích với khách hàng ngay từ khi đặt phòng rằng đồ dùng nhựa sẽ không được cung cấp.

“Chúng tôi cũng đăng thông báo rằng khách sạn sẽ tính phí 1 HKD cho bộ muỗng, nĩa bằng gỗ có sẵn. Một số phòng được đặt sẵn bàn chải đánh răng và lược bằng gỗ”, ông Cheung nói.

Ông Cheung cho biết thêm khách sạn không cung cấp các lựa chọn thay thế cho mũ tắm. Các sản phẩm thay thế cho dao cạo nhựa sẽ được đáp ứng trong tương lai, nhưng chi phí sẽ cao gấp khoảng 10 lần.

Trong khi đó, khách sạn WeHotel Kowloon ở khu Du Ma Địa trưng bày các áp phích về quy định mới và nhân viên lễ tân cũng thông báo với khách khi nhận phòng rằng họ sẽ không nhận được đồ vệ sinh cá nhân sử dụng một lần.

Các tiện nghi như dụng cụ ăn uống, đồ dùng vệ sinh cá nhân, chai nước bằng nhựa sẽ bị loại bỏ trong khách sạn tại Hong Kong

Khách sạn này trước đây từng cung cấp miễn phí bàn chải đánh răng, dao cạo râu, nước đóng chai, lược và mũ tắm, nhưng bây giờ khách sẽ phải tự mua chúng với giá 10 HKD cho trung bình 2 mặt hàng.

“Hầu hết khách đều chấp nhận các quy định mới và đã mang theo đồ vệ sinh cá nhân, nhưng nước đóng chai là mặt hàng được yêu cầu nhiều nhất”, quản lý Joyce Ng tại khách sạn cho hay.

Ng còn cho biết nhân viên lễ tân phải đối mặt với áp lực lớn hơn để giải thích các quy định và trả lời các câu hỏi. Vào thời gian cao điểm cuối tuần, khối lượng công việc của các nhân viên sẽ lớn hơn nhiều.

Một nhân viên lễ tân tại khách sạn Yesinn@YMT ở Du Ma Địa cho biết: “Hầu hết khách của chúng tôi đều ổn khi trả thêm tiền cho các tiện nghi, nhưng một số người trong số họ đã tỏ ra bất ngờ và hỏi khách sạn khi nào luật sẽ được áp dụng”.

Trong khi đó, một nhân viên của khách sạn Nam Thái Bình Dương ở Loan Tử cho biết giờ đây họ đã cung cấp những chai dầu gội và dầu xả cỡ lớn trong phòng để đảm bảo sự tiện nghi cho khách du lịch.