Chiều 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Các dự kiến cho thấy sẽ siết điều kiện xây chung cư mini cho thuê, bán

Phát triển nhà ở, trong đó có quản lý chung cư mini được các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại nghị trường hôm 1/11. Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình chiều nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, quy định về nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) được chỉnh lý phù hợp, khả thi hơn.

du-kien-siet-dieu-kien-xay-chung-cu-mini-cho-thue-ban-1
Ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội

Theo đó, điều 57 dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng cá nhân muốn xây chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có thiết căn hộ, hoặc từ 2 tầng và quy mô 20 căn hộ trở lên) để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Căn hộ đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai sẽ được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Việc đầu tư xây dựng bất động sản chung cư mini để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về xây dựng do Bộ trưởng Xây dựng ban hành. Khu nhà phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định. UBND tỉnh được phân cấp quy định về đường giao thông, đảm bảo phương tiện chữa cháy có thể chữa cháy tại nơi có chung cư mini.

Quản lý, vận hành chung cư mini phải tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

Việc siết điều kiện xây chung cư mini cho thuê, bán nhằm để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, và tăng quản lý loại nhà ở này, nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu của một bộ phận người dân”, ông Tùng nói.

Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại quan điểm quy định về chung cư mini là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở, nhưng không hợp thức hóa các sai phạm của loại nhà ở này.

Loại hình”chung cư mini” đã nở rộ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM nhưng nó lại chưa được đề cập chính thức trong văn bản pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản. Luật Nhà ở hiện hành cũng chưa có định nghĩa chung cư mini, chỉ đề cập nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà xã hội. Do đó, việc quản lý chung cư mini hiện nay vẫn còn khoảng trống pháp lý. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành, với việc chung cư mini đang giải quyết nhu cầu nhà ở cho cả triệu người, nên tìm cách quản lý thay vì cấm.

Liên quan đến nhà ở xã hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo sau tiếp thu bổ sung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Các dự án này sẽ cho công nhân, người lao động thuê.

Các ưu đãi cho chủ đầu tư làm nhà ở xã hội cũng được kế thừa quy định của luật hiện hành. Theo đó, chủ đầu tư được dành 20% đất dự án nhà ở xã hội để làm nhà ở thương mại. Chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất cho phần diện tích này theo quy định về đất đai.

Điều này nhằm thu hút đầu tư, quản lý chặt nguồn thu ngân sách, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần nghiên cứu tiếp, cân nhắc quy định 20% đất dự án nhà ở xã hội làm nhà ở thương mại. Bởi theo ông, quy định như dự thảo nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa, nhưng cũng dẫn tới nguy cơ phát sinh một số bất hợp lý trong thực hiện.

Về thời điểm có hiệu lực các quy định về nhà ở xã hội, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến thống nhất ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở từ 1/1//2025. Việc xác định thời điểm có hiệu lực như vậy cũng phù hợp với Luật Đất đai (dự kiến được Quốc hội thông qua chậm nhất tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024).

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ mong muốn những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội có hiệu lực sớm hơn, để đẩy nhanh phát triển loại nhà ở này trong điều kiện nguồn cung đang rất thiếu.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) vào 27/11.