(VNmorningnews) – Ngành công nghiệp ẩm thực sô cô la toàn cầu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khi giá ca cao tăng vọt. Hạt cacao hiện có giá trị hơn cả một số kim loại quý và tăng nhanh hơn cả Bitcoin

Thế giới sô cô la đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cacao trầm trọng. Điều này đã dẫn những biến động mạnh mẽ trên thị trường, đến mức thu hút cả người chơi không ngờ tới: Pierre Andurand – nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng với việc đặt cược vào dầu mỏ.

am-thuc-so-co-la-toan-cau-dang-sot-dien-r-1
Hạt cacao hiện có giá trị hơn cả một số kim loại quý và tăng nhanh hơn cả Bitcoin

Đầu tháng 3, giá cacao đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 12 tháng. Vào thời điểm đó, nhiều nhà đầu cơ đã quyết định từ bỏ và giảm mức đặt cược, không còn tin giá sẽ tiếp tục tăng.

Đó là lúc Andurand nhìn thấy cơ hội mua vào.

Trên thực tế, tất cả dấu hiệu đều cho thấy sự thâm hụt lớn. Thế giới đã được hưởng sô cô la với giá rẻ trong nhiều thập kỷ nhưng cây cối già cỗi và bệnh mùa màng đang lan tràn ở các nước Tây Phi – nơi cung cấp khoảng một nửa thị trường cacao.

Nhiều thương nhân thậm chí lo ngại sản lượng của người trồng trọt đã bước vào giai đoạn suy thoái dài hạn.

Vì vậy, hợp đồng tương lai nhanh chóng tăng khoảng 70% kể từ đầu tháng 3 lên mức kỷ lục trong tuần này, theo Bloomberg.

am-thuc-so-co-la-toan-cau-dang-sot-dien-ro-4
Một công nhân đưa những quả cacao đã thu hoạch vào máy tại trang trại ở Eunapolis, Brazil. Ảnh: Bloomberg
 
Cuộc khủng hoảng lớn

Đối với các nhà sản xuất sô cô la trên thế giới, cuộc khủng hoảng đã đến.

Nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa từ Malaysia tới Đức và Chicago (Mỹ). Tristan Fletcher – giám đốc điều hành của ChAI – nền tảng sử dụng AI để phân tích thị trường hàng hóa, nhận định: “Những vết sẹo của cuộc khủng hoảng này có thể đã hiện rõ từ lâu trong sự biến động của cacao”.

“Những người chơi đầu cơ đang vào và ra khỏi vị trí nhanh hơn, điều này sẽ làm tăng thêm sự bất ổn. Nó cũng đồng nghĩa thị trường có nhiều khả năng biến động dữ dội hơn”, ông nhận định.

Thị trường hàng hóa nổi tiếng là không ổn định, nhưng tốc độ và mức độ nghiêm trọng của đợt tăng giá cacao đã gây ra sự hỗn loạn. Nó thể hiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu của loại cây trồng này, từ những nông dân Tây Phi đang gặp khó khăn đến các nhà môi giới hàng hóa châu Âu, nhà sản xuất bánh kẹo Mỹ.

Tuần này, hợp đồng tương lai đạt mức kỷ lục 10.760 USD/tấn, mức mà trước đây hầu hết nhà giao dịch không thể tưởng tượng được. Con số này cao gấp đôi mức đỉnh trước đó được thiết lập vào những năm 1970.

Trước sự tăng vọt này, thị trường New York phần lớn vẫn ở mức dưới 3.500 USD kể từ những năm 1980.

Citigroup dự kiến ​​giá tăng lên tới 12.500 USD trong vài tháng tới. Andurand dự báo hợp đồng tương lai có thể phá vỡ mức 20.000 USD trong năm nay.

 

Thị trường đang bị mắc kẹt giữa tình trạng thiếu hụt nông sản trầm trọng và tính thanh khoản thấp đến mức nguy hiểm.

Khi các công ty không thể trả lệnh gọi ký quỹ để hỗ trợ khoản phòng ngừa rủi ro, họ buộc phải mua lại hợp đồng tương lai, khiến giá thậm chí còn cao hơn và đẩy nhiều người ra khỏi thị trường hơn.

“Đó là điều khiến tôi lo lắng nhất”, Jacques Torres, người sáng lập và giám đốc điều hành của Jacques Torres Chocolate – nhà sản xuất bánh kẹo thủ công có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết. “Nếu đây là tương lai, thì chúng ta sẽ chứng kiến ​​rất nhiều người phá sản”.

Dự báo sản lượng cacao ở Bờ Biển Ngà và Ghana – chiếm khoảng 50% nguồn cung – sẽ giảm ở mức hai con số. Trong khi đó, Tổ chức Cacao Quốc tế (ICCO) dự đoán sản xuất sẽ thấp hơn nhu cầu khoảng 374.000 tấn mét trong mùa 2023-2024.

“Chúng tôi gần như không còn gì để cung cấp cho phần còn lại của mùa vụ này”, Nicholars Quartey (67 tuổi), người trồng ở thị trấn Suhum, cách thủ đô Accra của Ghana khoảng 100 km về phía bắc, nói.

Phơi bày vấn đề

Sự thiếu hụt cacao lịch sử này cũng bộc lộ những vấn đề khác đang gây khó khăn cho khu vực.

Trong nhiều thập kỷ, nông dân ở Bờ Biển Ngà và Ghana thường xuyên bị trả lương thấp. Mặc dù hợp đồng tương lai đã tăng giá trên danh nghĩa, chúng vẫn không theo kịp tốc độ lạm phát.

Đã 12 năm sau khi Bờ Biển Ngà quốc hữu hóa ngành cacao như cách để cải thiện sinh kế của nông dân. Giá đưa ra cho người trồng do chính phủ ở cả hai nước ấn định, nhằm chốt doanh số bán hàng trước một năm.

Kết quả là người trồng trọt được trả ít hơn nhiều so với giá đặt ra trên thị trường quốc tế và không thể phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi về cung cầu.

“Những gì bạn phải làm là đưa ra tín hiệu cho người nông dân. Để họ biết rằng đáng đầu tư vào nông trại và những gì họ đã làm trong thời gian qua”, Steve Wateridge, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Dịch vụ nghiên cứu Nhiệt đới, chia sẻ.

Ghana và Bờ Biển Ngà gần đây đã tăng giá cho nông dân, nhưng vẫn chưa rõ liệu mức tăng này có đủ để khuyến khích thêm nguồn cung hay không.

Rất ít người sản xuất được tiếp cận với hệ thống tưới tiêu hoặc kỹ thuật canh tác hiện đại. Điều này khiến công việc của họ dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Họ cũng không có đủ tiền để đầu tư vào phân bón và hóa chất trồng trọt khác sau khi giá cả tăng vọt trong những năm gần đây.

Trong khi đó, cây trồng lại thiếu sự đổi mới, thiếu đầu tư để nghiên cứu, sản xuất hạt giống tốt hơn.

“Tôi biết rất nhiều nông dân đang rời bỏ lĩnh vực cacao”, Issifu Issaka, người trồng cacao ở Ghana, nói “Họ từ bỏ trang trại cacao của mình và chuyển sang trồng cao su – những người khác sẽ chuyển sang trồng dừa”.

Ông cũng chỉ ra sự gia tăng hoạt động khai thác quy mô nhỏ trong khu vực, được người dân địa phương gọi là galamsey, đã làm ô nhiễm nguồn nước.

“Những nguồn nước trong khu vực trồng cacao mất đi – chúng tôi đã mất chúng”, Issaka nói.

Người tiêu dùng vẫn chưa thấy được tác động đầy đủ của đợt tăng giá.

Theo giám đốc điều hành Pladis – Salman Amin – công ty vẫn đang hoàn thiện kế hoạch định giá nhưng dự kiến tỷ lệ phần trăm tăng giá trên toàn cầu sẽ trung bình ở mức “một chữ số cao”.

Người trồng trọt ở những nơi như Cameroon, Nigeria, Ecuador và Brazil đang cố gắng để tăng sản lượng.

Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian trước khi bất kỳ sản phẩm mới nào được tung ra thị trường. Cây cacao có thể mất từ ​​3 đến 5 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Đến thời điểm đó, có thể đã quá muộn để một số nhà sản xuất bánh kẹo phục hồi.

“Với mức giá cacao này, cơn sốt đã ập đến”, Laerte Moraes, giám đốc điều hành bộ phận nguyên liệu thực phẩm Nam Mỹ của tập đoàn Cargill cho biết.