(VNmorningnews) – Người ung thư tuyến giáp không nên ăn nhiều rau họ cải (có thể bị rối loạn hormone tuyến giáp), đậu nành (chứa isoflavones cản trở quá trình hấp thụ iod) khiến quá trình điều trị bệnh khó khăn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết người ung thư tuyến giáp không nên ăn nhiều các loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy nhược thể chất, gây khó nuốt, khó tiêu hóa sau phẫu thuật. Đồng thời, người bệnh nên kiểm soát tốt lượng iốt dung nạp vào cơ thể. 

1. Thực phẩm cứng

Người bệnh kiêng ăn thực phẩm có kết cấu cứng vì tuyến giáp nằm ngay phía trước cổ. Nuốt thức ăn cứng có thể gặp khó khăn do khối u chèn ép làm hẹp thực quản. Sau khi phẫu thuật hoặc điều trị bằng tia phóng xạ, vùng cổ thường nhạy cảm, ăn món cứng có thể gây đau.

2. Rau họ cải

Cải bó xôi, cải xanh, cải xoăn… thường chứa nhiều goitrogens (chất làm rối loạn hormone tuyến giáp). Goitrogens có thể khiến cơ thể khó hấp thụ iod – khoáng chất cần thiết để tuyến giáp tổng hợp hormone giáp thyroxine (T4). Điều này làm rối loạn hoạt động của tuyến giáp, khởi phát bướu cổ, thúc đẩy ung thư tiến triển.

9-loai-thuc-pham-nguoi-ung-thu-tuyen-giap-khong-nen-an-nhieu

Tuy nhiên, goitrogens chỉ gây ra vấn đề bất lợi nếu tiêu thụ với lượng lớn, có chế độ ăn chứa nhiều goitrogens nhưng thiếu iốt. Chế biến bằng cách hấp, luộc thì có thể làm giảm đáng kể lượng goitrogens.

3. Đậu nành và sản phẩm từ đậu nành là thực phẩm người ung thư tuyến giáp không nên ăn

Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành chứa isoflavones – hợp chất có thể cản trở quá trình hấp thụ i ốt của tuyến giáp, khiến hormone giáp khó sản xuất, dẫn đến suy giáp. Hạn chế ăn những thực phẩm này giúp ngăn ngừa biến chứng suy giáp khởi phát trong quá trình điều trị ung thư tuyến giáp.

4. Món chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol và đường

Ăn món chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol và đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, thúc đẩy ung thư tiến triển. Chất béo bão hòa, cholesterol và đường có thể kích thích các phản ứng viêm, gây mất cân bằng hormone, ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh.

Vì tuyến giáp chịu trách nhiệm chính cho việc sản xuất, điều chỉnh hormone. Đường tinh chế khiến mức đường huyết trong máu gia tăng, thúc đẩy gan nhiễm mỡ, béo phì… ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Điều này khiến tốc độ phục hồi của người bệnh bị chậm lại.

5. Người ung thư tuyến giáp không nên ăn nội tạng động vật

Cholesterol và chất béo bão hòa trong nội tạng động vật có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nội tạng động vật chứa nhiều vitamin A, nếu tiêu thụ vượt quá 100 g một tuần có thể gây ngộ độc gan, rối loạn hormone tuyến giáp. Vì gan là cơ quan chuyển hóa hormone giáp thyroxine (T4). Các dạng kim loại nặng trong nội tạng động vật làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, kéo dài thời gian hồi phục sau điều trị ung thư.

6. Món chua và cay

Sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u tuyến giáp, người bệnh nên kiêng ăn món cay, chua. Vì nhóm thực phẩm này kích thích niêm mạc hệ tiêu hóa, dễ gây viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản, ợ chua, tiêu chảy. Tiêu thụ nhiều món chua cay có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa, khó phục hồi, nhất là khi người bệnh uống nhiều thuốc hoặc xạ trị sau phẫu thuật.

7. Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn có ít chất dinh dưỡng hơn thực phẩm tươi, nhiều muối, đường, chất béo, phụ gia công nghiệp. Tiêu thụ nhiều loại này có thể gây tăng cân, mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường… ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.

8. Thực phẩm tái sống

Người bệnh ung thư tuyến giáp sau hóa trị, xạ trị, phẫu thuật có thể bị suy giảm hệ miễn dịch, nhạy cảm hơn với các bệnh truyền nhiễm từ virus, vi khuẩn. Người bệnh không nên ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín để giảm nguy cơ ngộ độc. Trong thực phẩm tái, sống như thịt, hải sản, rau sống, trứng lòng đào có thể chứa vi khuẩn (E.Coli, Salmonella, Toxoplasma, Listeria…) gây ngộ độc, tăng nguy cơ nhiễm trùng máu.

9. Bia rượu

Cồn trong rượu bia có thể khiến viêm gan. Gan là cơ quan chuyển hóa hormone giáp thyroxine (T4) thành hormone triiodothyronine (T3). Tiêu thụ rượu bia gián tiếp làm rối loạn sự cân bằng hormone của tuyến giáp, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.

Cồn có thể tương tác và làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị ung thư tuyến giáp. Rượu bia cũng khiến dạ dày, thực quản bị kích ứng, tiêu hóa khó khăn – vấn đề người bệnh thường gặp sau phẫu thuật, xạ trị.

Bên cạnh kiêng một số thực phẩm, bác sĩ Tùng cho biết người bệnh ung thư tuyến giáp nên bỏ những thói quen xấu như nhịn đói, thức khuya, hút thuốc, lao động quá sức, tự ý bổ sung thực phẩm chức năng, không che chắn kỹ lưỡng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời… Để hạn chế bệnh tiến triển nặng, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.